UEL ƠI, ĐIỀU TÔI MUỐN NÓI..

Cách đây 25 năm, tôi bắt đầu con đường chinh phục thương hiệu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Lần lượt các thương hiệu lớn nhỏ và bằng cách này hay cách khác đã cùng tôi hình thành và phát triển. Đó là Trung Nguyên, LG, Tín Nghĩa, Savico, NHG, Ischool, English House…và hàng loạt các thương hiệu khác nữa mà tôi không sao nhớ hết được.

Năm 2009, như là một định mệnh, tôi gia nhập UEL và bắt đầu quá trình cống hiến trong lĩnh vực quan hệ doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, bán hàng, hành vi vì ngôi trường thân thương này. Và rồi, qua nhiều lần trăn trở, tôi muốn gởi đến ngôi trường này vài điều muốn nói về việc xây dựng thương hiệu cho UEL. Tôi đã từng hỏi rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên và các đối tác rằng vì sao có rất ít doanh nghiệp thậm chí không có doanh nghiệp nào của Việt Nam tồn tại quá 50 năm? Dù rất nhiều doanh nghiệp ấy thuở ban đầu lập nghiệp có những thành tựu rất đáng ngưỡng mộ?

Có thể có nhiều cách giải thích cho sự thật này. Nhưng theo tôi, lý do lớn nhất chính là bản thân tổ chức ấy thiếu đi “bản sắc” thật sự của mình và vì thế theo năm tháng sẽ trở nên “già nua”, “xa lạ” trong con mắt của thị trường. Và “bản sắc” ấy được thể hiện “hoàn hảo” thông qua thương hiệu họ dày công xây dựng. Bắt đầu bằng triết xây dựng hệ thống nhận diện, có thể kể đến triết lý thiết kế logo, khẩu hiệu và các biểu hiện khác của thương hiệu ấy đảm bảo khi hệ thống này vận hành, chúng sẽ “sống trọn vẹn” với từng sản phẩm mà thương hiệu ấy hiện diện. Tiếp đến là phát triển thương hiệu đó theo “từng giá trị riêng biệt” mà doanh nghiệp muốn theo đuổi để cuối cùng để lại trong tâm trí khách hàng những giá trị cảm nhận “riêng biệt” mà không có bất kỳ thương hiệu nào có thể có được. Có thể thấy thương hiệu chính là phần giá trị đặc biệt mà thị trường, khách hàng và thời đại lưu giữ trong tâm trí theo năm tháng. Giá trị ấy như là phần “linh hồn”, “phần cảm xúc” và cả những ước mơ đi theo cùng thời đại.

Quay lại với ngôi trường UEL yêu quý này, bản thân tôi nhận thấy rằng, logo UEL cũng giống như rất nhiều thương hiệu giáo dục, ngân hàng và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng chữ viết tắt làm đại diện. Điều này quả có điều lợi là sẽ làm cho khách hàng dễ dàng nhận ra thương hiệu ấy bằng cách dùng chữ viết tắt để đọc trọn vẹn tên của trường. Cá nhân tôi không muốn lạm bàn thêm về việc sử dụng chữ viết tắt này mà muốn đề cập đến cách sử dụng logo UEL trong các sản phẩm của mình sao cho hiệu quả nhất.

Nhìn những tác phẩm đính kèm, có thể thấy logo UEL mặc định sử dụng nền trắng cho tất cả những “sản phẩm” mà UEL có mặt. Về mặt cảm quan, các logo này chỉ giống như một cái “nhãn” được dán mà không có sự “lan toả” hay “hòa nhập” vào các sản phẩm nơi logo UEL có mặt. Điều này làm cho các logo này trở nên “xa lạ” với chính sản phẩm mà nó đại diện. Trong khi đó, mặc dù logo Toyota hay Facebook cũng có các yêu cầu về thương hiệu khác nhau nhưng khi được gắn vào các sản phẩm thì đều thể hiện được sự “thống nhất” của thương hiệu ấy. Phải chăng đây là một sự khác biệt?Tôi không rõ chiến lược xây dựng thương hiệu của UEL như thế nào? Nhưng với chuyên môn của mình, tôi rất mong được lên tiếng để thương hiệu này đi nhanh, đi mạnh và đi bền vững cùng năm tháng.

Tháng 10.2020

Bài viết liên quan

NGUYỄN KHÁNH TRUNG

Bác sĩ Thương hiệu

SOCIAL MEDIA
bài giảng hay nên đọc
VN