TẢN MẠN NGÀY 2/9 : XIN CẢM ƠN MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI CON ANH HÙNG

Tôi may mắn được sinh ra trong hoàn cảnh đất nước hòa bình nên những khái niệm về chiến tranh của tôi là những bài học trong giờ lịch sử của cô giáo, là những tranh ảnh, sách báo tôi vẫn thường đọc. Những ngày lễ lớn của đất nước như ngày Giải Phóng Miền Nam 30 tháng 4 hay ngày lễ Quốc Khánh 2 tháng 9 của tôi là kế hoạch thăm người thân hoặc nghỉ mát cùng với gia đình và bè bạn. Và cứ thế, tôi đã lớn lên cho đến ngày lễ Quốc Khánh 2 tháng 9 năm đó, tôi vinh dự được nhà trường chọn đi thăm và tặng quà cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Cũng chính từ thời khắc ấy, khi tôi được nghe chính câu chuyện của người trong cuộc kể lại cuộc đời đầy đau thương nhưng hào hùng của Mẹ và những người con của Mẹ, tôi thấy được ý nghĩa của tự do, độc lập mà Bác Hồ đã chọn cho dân tộc này, cho đất nước này. Những hy sinh của biết bao lớp người Việt Nam cho đất nước tươi đẹp hôm nay không có phần thưởng nào, lời lẽ cao đẹp nào có thể bù đắp được.

Đường vào nhà Mẹ đất đá gập gềnh và nhỏ hẹp, chúng tôi từ đầu đường đi bộ vào khá xa, hai bên đường mọc đầy những cây dại đầy vẻ hoang sơ, nhà Mẹ ở khuất sâu trong con đường hòa những ngôi nhà đơn sơ lác đác chung quanh tạo ra một vẻ hoang lạnh, tĩnh mịch. Nhà của mẹ với mái lá rợp quanh, tường gạch cũ và những cây cột nứt vỡ vì trải qua chiến tranh. Vào đến nhà, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là bàn thờ nghi ngút khói với những hình ảnh người chồng, người con của Mẹ đã vì đất nước hi sinh. Một bức tường khác treo những bằng khen như Tổ Quốc Ghi Công, danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh Hùng và nhiều bằng khen khác nữa. Mẹ ốm yếu ngồi trên giường, không thể đi lại vì tuổi già và những nhọc nhằn trong cuộc đời, dù đã lớn tuổi, mỏng manh như giọt sương đầu cành, chỉ cần cơn gió thoảng sẽ rơi xuống, thế nhưng Mẹ vẫn còn minh mẫn và giọng nói run run yếu ớt đón mừng đoàn người đến thăm, mắt mẹ mờ nhòa hỏi han : “Đã tìm thấy thằng Út chưa mấy chú?”. Tôi ngạc nhiên nhưng vẫn im lặng và ngồi bên mẹ, nghe lại câu chuyện từ người con gái duy nhất còn lại của Mẹ, tuổi cũng ngoài tuần thất thập, và chồng của bà, cũng là con rể của Mẹ đã hi sinh trong trận chiến khắc nghiệt ấy. Mẹ có một người con gái cả và ba người con trai, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên, Mẹ luôn là chú gà mái che chở đàn con thơ dưới những chiếc vuốt nhọn của lũ diều hâu trên bầu trời. Thế rồi các con của Mẹ trưởng thành, họ lần lượt lên đường theo tiếng gọi của non sông. Lần đầu tiên là con rể và người con trai thứ hai, Mẹ nuốt nước mắt vào trong và tự hào tiễn các con lên đường tòng quân, dù lòng Mẹ thương con nhiều biết bao, những khổ nhọc Mẹ vượt qua để các con thơ trưởng thành đầy đủ, nhưng tiếng gọi của Đất Nước đã vực lòng Mẹ kiên cường cùng các con. Từng ngày trôi qua, con trai thứ hai và thứ ba của Mẹ cũng lần lượt vác ba lô lên chiến tuyến. Nhưng cái ngày con trai út của Mẹ lên đường, thì cũng là ngày Mẹ nhận tin sét đánh, con rể và con trai thứ hai của Mẹ đã anh dũng hi sinh. Lòng mẹ đau xót, tất cả hy vọng Mẹ đành đặt lên hai người con trai còn lại, và ba năm sau, Mẹ tiếp tục nhận thêm tin dữ khác, con trai thứ ba của Mẹ trên đường làm nhiệm vụ đã bị địch bắt và hi sinh. Nghe đến đây, chợt lòng tôi quặn thắt lại, cố cầm nước mắt không để nó tuôn chảy, bởi tôi đã nhiều lần viếng thăm Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, chứng kiến biết bao hình ảnh, mô hình diễn tả lại những cảnh giết chóc và hành hạ dã man của quân địch. Tôi đau xót khi nghĩ rằng con trai của Mẹ hẳn đã phải chịu sự tra tấn khủng khiếp của giặc và hi sinh để giữ bí mật cho cách mạng, cho chiến thắng của đất nước. Có lần Mẹ và con gái bị bắt, tra khảo để biết những người con của Mẹ đã đi đâu, làm gì, nhưng Mẹ vẫn kiên cường trả lời với chúng rằng Mẹ chẳng biết tin gì của những đứa con, họ đã đi theo Cụ Hồ và không có gửi tin gì về nhà, dù chúng có dọa bắt, dọa chôn sống cũng không khiến Mẹ và con gái Mẹ khuất phục, trên thân thể của Mẹ lẫn người con gái vẫn còn hằn in những vết sẹo của chiến tranh, lòng tôi quặn thắt không nói nên lời.

Chiến tranh kết thúc, Mẹ và con gái trở về ngôi nhà xưa. Hằng ngày, mẹ vẫn ra đầu ngõ ngóng tin con trai út, nhưng một năm sau, con gái Mẹ gặp được một thương binh cùng sư đoàn với cậu út, anh kể rằng cậu út mất tích trong một lần hành quân, bị quân địch tấn công bất ngờ, tất cả tìm đường ẩn núp giữa làn bom đạn mịt mù, sau đó nhiều ngày, khi quân địch đã ngừng dày xéo khu vực bằng bom đạn, mọi người đi tìm nhau, nhưng không ai tìm thấy anh hay xác anh đâu cả. Bà biết rằng, cậu út đã hi sinh, nếu không thì cậu sẽ không rời bỏ nhiệm vụ, rời bỏ sư đoàn như vậy, và cũng từng ấy năm trời, cậu út không bao giờ trở về. Bà kể lại với Mẹ chuyện cậu út, nhưng vì tấm lòng thương nhớ con, khi những người con khác đã được báo tử, và được chôn cất thì tất cả hi vọng còn lại đều dành trọn vào cậu út, khi mà chính quyền chưa thông báo chính thức cái chết của cậu, thì Mẹ vẫn hằng ngày trông ngóng bóng dáng cậu trở về. Hễ cứ có người nào đến viếng thăm, Mẹ đều chỉ hỏi một câu : “Các chú có tin gì của thằng Út không?”, rồi Mẹ im lặng nhìn xa xăm. Nước mắt người con gái của Mẹ chảy dài mỗi khi hồi tưởng lại quá khứ trong suốt câu chuyện kể cho chúng tôi, tất cả chúng tôi không ai nói với ai câu nào, lòng nặng trĩu với những giọt nước mắt chảy âm thầm, tôi biết rằng, không từ nào, lời nào có thể san sẻ nỗi đau của bà và Mẹ. Chắc hẳn lòng Mẹ cũng từng rất nhiều lần thầm khóc như chúng tôi lúc này, nhưng nỗi đau của Mẹ hẳn chúng tôi không thể nào hiểu được, những đứa con Mẹ rứt ruột sinh ra, yêu thương bằng cả trái tim, đã dâng trọn cho đất nước, khi mà tuổi Mẹ đã rất gần đất xa trời, Mẹ cũng vẫn mong muốn được gặp lại cậu Út, người mà Mẹ đã luôn tin rằng sẽ trở về trong suốt những năm tháng qua, và đâ là niềm an ủi duy nhất của mẹ, dù rằng cả chúng tôi và con gái của Mẹ đều biết rằng, cậu Út đã hi sinh trong trận phục kích ấy, có lẽ bom đạn đã giày xéo cả thân xác anh, không có bất cứ thứ gì còn lại của anh ngoài mẩu tin ngắn từ người chiến sĩ cùng sư đoàn. Câu chuyện kết thúc bằng những sự nghẹn ngào, chúng tôi thay phiên nhau thắp nén nhang cho các anh, hình ảnh người anh Út ở trên bàn thờ nhưng thân xác không biết đã lưu lạc nơi đâu, tôi chỉ cầu mong vong hồn anh sớm tìm được đường về nhà, đoàn tụ cùng các anh khác.

Cầm tay Mẹ trước khi rời đi, tôi biết Mẹ không thể nghe rõ ràng, nhưng tận sâu trong lòng, chúng tôi, những người con được sinh ra trong hòa bình nhờ những sự hi sinh lớn lao của Mẹ và các anh, xin được cảm ơn Mẹ và các anh, dù chúng tôi không được Mẹ rứt ruột sinh ra, nhưng sự cao cả của Mẹ luôn là hình tượng của người Mẹ ruột thịt mà chúng tôi tôn kính. Bước chân ra về nặng trĩu dưới ánh hoàng hôn mờ nhạt, lòng chúng tôi, đau xót cho sự mất mát của Mẹ, hình dáng Mẹ gầy yếu, đôi mắt xa xăm ngóng chờ tin con đã khắc sâu vào lòng, chúng tôi không thể nào cảm ơn được hết những gì mà Mẹ và những người con của Mẹ đã đem đến ngày hôm nay cho chúng tôi.

Gần 40 năm sau ngày giải phóng, đất nước đã thật sự chuyển mình và thế hệ trẻ chúng tôi đã được sống trong một đất nước thật sự hòa bình. Những ngày qua, khi trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về sự can trường của các chiến sĩ cảnh sát biển, của lực lượng kiểm ngư và cả ngư dân của Việt Nam trong việc đấu tranh đòi Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, kiên trì yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, lòng tôi lâng lâng tự hào vì mình là người Việt Nam và chúng ta thật sự có lòng yêu nước thật nồng nàn. Trong các bài giảng của mình, lòng yêu nước luôn được tôi nói đến một cách sinh động nhất để các thế hệ sinh viên hiểu được lịch sử oai hùng của dân tộc và để có thái độ đúng, hành động đúng cho xứng đáng với tổ quốc hôm nay. Và tôi, vẫn nhớ hoài gương mặt của mẹ và những cảm xúc dâng tràn của ngày 2 tháng 9 năm ấy.
Sài gòn, 2014

Bài viết liên quan

NGUYỄN KHÁNH TRUNG

Bác sĩ Thương hiệu

SOCIAL MEDIA
bài giảng hay nên đọc
VN